TCVN 9160:2012 Tiêu chuẩn quốc gia về Công trình thủy lợi - Yêu cầu thiết kế dẫn dòng trong xây dựng

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9160 : 2012
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI - YÊU CẦU THIẾT KẾ - DẪN DÒNG TRONG XÂY DỰNG
Hydraulic structures - Technical requirements for design of disversion channel in construction
Lời nói đầu
TCVN 9160 : 2012 Công trình thủy lợi - Yêu cầu thiết kế dẫn dòng trong xây dựng, được chuyển đổi từ 14TCN 57-88 :Thiết kế dẫn dòng trong xây dựng công trình thủy lợi, theo quy định tại khoản 1 điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a, khoản 1 điều 7 của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
TCVN 9160 : 2012 do Trung tâm Khoa học và Triển khai kỹ thuật thủy lợi thuộc trường Đại học Thủy lợi biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

CÔNG TRÌNH THỦY LỢI - YÊU CẦU THIẾT KẾ - DẪN DÒNG TRONG XÂY DỰNG
Hydraulic structures - Technical requirements for design of disversion channel in construction
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế dẫn dòng thi công xây dựng công trình thủy lợi - thủy điện. Đối với các công trình từ cấp I trở lên nếu có những vấn đề phức tạp về điều kiện thủy lực, địa chất, ... cần kết hợp giữa tính toán trong tiêu chuẩn này với thí nghiệm mô hình.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này:
TCVN 8216 : 2009: Công trình thủy lợi - Thiết kế đập đất đầm nén;
TCVN 9137 : 2011: Công trình thủy lợi - Thiết kế đập bê tông và bê tông cốt thép;
TCVN 9150 : 2011: Công trình thủy lợi - Nền các công trình thủy công - Yêu cầu thiết kế;
TCVN 9152 : 2011: Công trình thủy lợi - Quy trình thiết kế tường chắn công trình thủy lợi;
TCXDVN 356 : 2005: Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Tiêu chuẩn thiết kế;
TCXDVN 390 : 2007: Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Quy phạm thi công và nghiệm thu;
TCVN 5308 : 1991: Quy phạm kỹ thuật an toàn trong công tác xây dựng.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Dẫn dòng thi công (Constructional diversion)
Dùng biện pháp công trình để dẫn nước trong sông chảy theo một phần của lòng sông thiên nhiên hoặc theo một đường dẫn nhân tạo khác nhằm mục đích tạo hố móng được cách ly với dòng chảy để thi công các công trình thủy công trong đó. Có thể dùng các đê quây thu hẹp lòng sông hoặc ngăn hẳn lòng dẫn, bắt dòng chảy đi qua một đường dẫn khác (kênh, tuynen, đập tràn, cống...) đã được chuẩn bị trước để dẫn dòng thi công. Công tác dẫn dòng bao gồm cả công tác ngăn dòng.
3.2
Ngăn dòng (Impoundment)
Chặn dòng chảy trong một lòng dẫn tại một tuyến đào nào đó, buộc dòng chảy phải chuyển sang một lòng dẫn khác đã được chuẩn bị trước. Ngăn dòng gồm hai giai đoạn: giai đoạn một là thu hẹp lòng dẫn cho đến khi chỉ còn để lại một đoạn đã được tính toán dự kiến trước gọi là cửa hạp long và giai đoạn hai là chặn dòng ở cửa hạp long. Ngăn dòng là giai đoạn thi công phức tạp nhất của quá trình dẫn dòng thi công. Trong quá trình ngăn dòng, do dòng chảy bị thu hẹp dần nên mức nước ở thượng lưu sẽ tăng dần và nước ở dòng dẫn cũ sẽ chuyển dần sang lòng dẫn mới. Sau khi hoàn thành chặn dòng ở cửa hạp long thì nước ở lòng dẫn cũ sẽ chuyển hoàn toàn sang lòng dẫn mới.
3.3
Đê quây (Coffer dam)
Đập tạm được dùng để ngăn nước không xâm nhập vào vị trí công trình và bảo vệ hố móng trong thời gian thi công xây dựng. Đê quây bảo vệ hố móng bao gồm đê quây thượng lưu, đê quây dọc và đê quây hạ lưu. Hình thức kết cấu của đê quây rất đa dạng nhưng có thể phân loại như sau:
a) Theo điều kiện sử dụng vật liệu: đê quây bằng đất, đất đá, cừ gỗ, cừ thép, cừ liên cung, liên trụ, chuồng cũi gỗ, đá, bê tông, đá xây;
b) Theo phương pháp thi công: thi công trong nước, thi công trên khô.
3.4
Lưu lượng thiết kế ngăn dòng (Design impoundment flow)
Lưu lượng trung bình ngày của thời đoạn dự kiến ngăn dòng tương ứng với tần suất quy định. Thời đoạn ngăn dòng có thể là tháng hoặc tuần (10 ngày) của tháng dự kiến ngăn dòng.
3.5
Cấp công trình (Grade of construction)
Căn cứ để xác định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ theo các mức khác nhau phù hợp với quy mô và tầm quan trọng của công trình. Công trình thủy lợi được phân thành 5 cấp (cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV) tùy thuộc vào quy mô công trình hoặc tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của nó đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng v.v.... Công trình cấp đặc biệt có yêu cầu kỹ thuật cao nhất và giảm dần ở các cấp thấp hơn, xem phụ lục A.
4 Quy định chung
4.1 Thiết kế dẫn dòng thi công (gọi tắt là thiết kế dẫn dòng) là một trong những nội dung chủ yếu của thiết kế tổ chức xây dựng các công trình thủy công. Khi thiết kế bố trí các công trình đầu mối phải xét ngay tới các sơ đồ dẫn dòng đảm bảo công tác dẫn dòng và thi công xây dựng công trình được tiến hành nhanh, thuận lợi với chi phí đầu tư hợp lý và an toàn. Nếu phải dẫn dòng nhiều đợt, trước khi quyết định cho đợt một phải xét đến biện pháp dẫn dòng cho các đợt tiếp theo, nhất là cho việc ngăn dòng và chặn dòng cửa hạp long ở đợt cuối cùng.
4.2 Cấp công trình dẫn dòng lấy theo phụ lục A. Nếu muốn thay đổi phải có luận chứng riêng và được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
4.3 Tần suất lưu lượng, mực nước lớn nhất để thiết kế các công trình tạm thời phục vụ dẫn dòng thi công (đê quai, kênh dẫn... ) lấy theo bảng 1.
Bảng 1 - Tần suất lưu lượng, mực nước lớn nhất để thiết kế các công trình tạm thời dẫn dòng thi công
Cấp công trình
Tần suất thiết kế công trình tạm thời dẫn dòng thi công
%
Dẫn dòng trong 1 mùa khô
Dẫn dòng từ 2 mùa khô trở lên
Đặc biệt
5
2
I
10
5
II, III, IV
10
10
CHÚ THÍCH:
1) Lưu lượng, mực nước lớn nhất trong tập hợp thống kê là lưu lượng, mực nước tương ứng với trị số lớn nhất trong các lưu lượng lớn nhất xuất hiện trong thời đoạn dẫn dòng thi công. Mùa dẫn dòng là thời gian trong năm yêu cầu công trình phục vụ công tác dẫn dòng cần phải tồn tại chắc chắn khi xuất hiện lũ thiết kế;
2) Những công trình phải dẫn dòng thi công từ hai năm trở lên, khi có luận cứ chắc chắn nếu thiết kế xây dựng công trình tạm thời dẫn dòng thi công với tần suất quy định trong bảng 1 khi xảy ra sự cố có thể gây thiệt hại cho phần công trình chính đã xây dựng, làm chậm tiến độ, gây tổn thất cho hạ lưu.... lớn hơn nhiều so với đầu tư thêm cho công trình dẫn dòng thì cơ quan tư vấn thiết kế phải kiến nghị tăng mức bảo đảm an toàn tương ứng cho công trình này;
3) Những công trình bê tông trọng lực có điều kiện nền tốt cho phép tràn qua thì cơ quan thiết kế có thể kiến nghị hạ mức đảm bảo của công trình tạm thời để giảm kinh phí đầu tư. Mức hạ thấp nhiều hay ít tuỳ thuộc số năm sử dụng dẫn dòng tạm thời ít hay nhiều và do chủ đầu tư quyết định;
4) Khi bố trí tràn tạm xả lũ thi công qua thân đập đá đắp xây dở phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho đập và công trình hồ chứa nước. Tần suất thiết kế tràn tạm trong trường hợp này bằng tần suất thiết kế công trình;
5) Cần dự kiến biện pháp đề phòng tần suất thực tế dẫn dòng vượt tần suất thiết kế để chủ động đối phó nếu trường hợp này xảy ra;
6) Tất cả kiến nghị nâng và hạ tần suất thiết kế công trình tạm thời phục vụ dẫn dòng thi công đều phải có luận chứng kinh tế - kỹ thuật chắc chắn và phải được cơ quan phê duyệt chấp nhận.
4.4 Tần suất dòng chảy lớn nhất thiết kế chặn dòng lấy theo bảng 2.
Bảng 2 – Tần suất dòng chảy lớn nhất thiết kế chặn dòng
Cấp công trình
Tần suất dòng chảy lớn nhất để thiết kế chặn dòng
%
Đặc biệt, I, II
5
III, IV
10
CHÚ THÍCH:
1) Dòng chảy trong tập hợp thống kê là lưu lượng trung bình ngày có trị số lớn nhất đối với dòng chảy không bị ảnh hưởng của thủy triều hoặc lưu lượng trung bình giờ có trị số lớn nhất đối với dòng chảy chịu ảnh hưởng của thủy triều xuất hiện trong thời đoạn dự tính chặn dòng của từng năm thống kê. Thời đoạn chặn dòng được chia 10 ngày một lần trong tháng dự định chặn dòng, tương ứng với thời kỳ lưu lượng đang giảm;
2) Căn cứ vào số liệu đo đạc thực tế trong thời gian trước thời điểm ấn định tiến hành chặn dòng (thường tiến hành đo đạc liên tục từ thời điểm kết thúc mùa lũ đến thời điểm ấn định chặn dòng), đơn vị thi công hiệu chỉnh lại phương án chặn dòng cho phù hợp với thực tế của dòng chảy, thời tiết, lịch triều và trình lên chủ đầu tư thông qua.
4.5 Tính toán ổn định và độ bền của các công trình dẫn dòng phải tuân theo các tiêu chuẩn hiện hành về thiết kế công trình thủy công (thiết kế đập đất theo TCVN 8216 : 2009, thiết kế đập bê tông và bê tông cốt thép theo TCVN 9137 : 2011, thiết kế nền theoTCVN 9150 : 2011 v.v...).
4.6 Khi thiết kế dẫn dòng thi công phải nghiên cứu các phương án khác nhau (nếu có) và trên cơ sở so sánh kinh tế - kỹ thuật để chọn phương án hợp lý nhất.
5. Thiết kế dẫn dòng thi công
5.1 Yêu cầu chung
5.1.1 Thiết kế dẫn dòng thi công cần có các tài liệu cơ bản sau:
a) Các bản vẽ thiết kế các công trình thủy công có liên quan đến công tác dẫn dòng;
b) Tài liệu thủy văn, địa hình, địa chất, địa chất thủy văn của khu vực dẫn dòng thi công và của các khu vực có liên quan, lòng dẫn nhân tạo, vùng ngập nước ở thượng lưu nơi bố trí công trình dẫn dòng, ...;
c) Lực lượng thi công như nhân lực, các phương tiện vận chuyển, thiết bị máy móc thi công...;
d) Yêu cầu sử dụng nước để phục vụ dân sinh và các ngành kinh tế quốc dân nhất là vấn đề vận tải thủy trong khu vực.
5.1.2 Thiết kế dẫn dòng phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cơ bản sau:
a) Thi công công trình chính thuận lợi với chi phí đầu tư hợp lý, an toàn và sớm phát huy hiệu quả;
b) Tận dụng tối đa nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương và trang thiết bị sẵn có để thi công các công trình dẫn dòng;
c) Ít ảnh hưởng tới tình trạng sử dụng dòng sông cũ về phương diện phục vụ các ngành kinh tế quốc dân và dân sinh.
5.1.3 Khi công trình chính đang xây dựng dở dang trong hố móng là công trình bằng bê tông, đá xây cho phép nước tràn ngập hố móng mà ít gây thiệt hại, ít ảnh hưởng đến tiến độ thi công thì có thể tăng tần suất lưu lượng lớn nhất tính toán mà đê quây phải chịu nhưng phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
5.1.4 Tiến hành thiết kế dẫn dòng phải theo các bước sau:
a) Tập hợp và nghiên cứu các tài liệu cơ bản;
b) Đề xuất các phương án sơ đồ dẫn dòng bao gồm cả ngăn dòng, đồng thời loại bỏ các phương án rõ ràng bất hợp lý;
c) Xác định tiến độ thi công dẫn dòng;
d) Xác định cấp công trình dẫn dòng, tần suất lưu lượng thiết kế và lưu lượng thiết kế dẫn dòng;
e) Lựa chọn kết cấu các công trình dẫn dòng, tính toán ổn định của công trình dẫn dòng và của lòng dẫn mới;
f) Tính toán thủy lực dẫn dòng: Tính từng đợt cho tới khi ngăn dòng ở đợt cuối cùng;
g) Tính toán kinh tế và chọn phương án hợp lý nhất.
5.2 Các sơ đồ dẫn dòng và điều kiện áp dụng
5.2.1 Thường có các sơ đồ dẫn dòng sau:
a) Đắp đê quây ngăn dòng một đợt (còn gọi là phương pháp toàn tuyến), xem sơ đồ hình 1;
b) Đắp đê quây ngăn dòng nhiều đợt (còn gọi là phương pháp phân đoạn), xem sơ đồ hình 2.
CHÚ DẪN:
1 Đê quây thượng lưu;               3 Kênh dẫn dòng;
2 Đê quây hạ lưu;                      4 Tuyến xây dựng công trình chính.
Hình 1 - Sơ đồ dẫn dòng và ngăn dòng một đợt
CHÚ DẪN:
1 Đê bao đợt I;              3 Nhà máy thủy điện;
2 Đê bao đợt II;              4 Đập tràn nước .
Hình 2 - Sơ đồ dẫn dòng và ngăn dòng nhiều đợt
5.2.2 Sơ đồ dẫn dòng một đợt thường áp dụng khi xây dựng các công trinh đầu mối thủy lợi - thủy điện trong điều kiện lòng sông hẹp ở khu vực trung du và miền núi hoặc trên các đoạn sông cong cần phải cải tạo ở vùng đồng bằng. Công trình dẫn dòng thường dùng là kênh dẫn bên bờ (kênh xế) máng dẫn, cống dưới sâu, tràn tạm, tuy nen:
a) Máng dẫn được áp dụng trong trường hợp lưu lượng dẫn dòng không lớn hơn 2,0 m3/s, khối lượng xây dựng có thể thi công trọn vẹn trong một mùa khô;
b) Kênh dẫn bên bờ được dùng khi xây dựng công trình đầu mối thủy lợi – thủy điện trên đoạn sông có bờ thoải và rộng, điều kiện địa hình, địa chất thuận lợi cho việc đào một con kênh để dẫn lưu lượng thi công;
c) Cống dưới sâu, cống xả đáy được dùng làm công trình dẫn dòng khi xây dựng đập đất, đập đá đập bê tông trên các sông suối nhỏ, lòng dẫn hẹp;
d) Tràn tạm được dùng làm công trình dẫn dòng khi xây dựng đập chắn nước để tạo hồ chứa, đập dâng ở vùng núi, lợi dụng địa hình dáng yên ngựa có cao độ và bề rộng thích hợp để xả nước về hạ lưu. Trong trường hợp này cần chú ý bảo vệ an toàn vùng hạ lưu;
e) Tuy nen được dụng làm công trình dẫn dòng trong điều kiện sông miền núi, lòng sông hẹp, vách đá dốc, lưu lượng dẫn dòng lớn (từ vài chục m3/s đến vài trăm m3/s). Nên kết hợp sử dụng tuynen xả nước thi công để xả nước lũ trong thời gian vận hành;
f) Tuynen lỗ xả sâu nhiều cấp được dùng để dẫn dòng thi công khi xây dựng các đập có cột nước cao. Nếu đập có chiều cao đến 100 m thường sử dụng tuynen hai tầng, xem hình 3.


TCVN 9160:2012, TCVN 9160:2012 Tiêu chuẩn quốc gia về Công trình thủy lợi - Yêu cầu thiết kế dẫn dòng trong xây dựng, tiêu chuẩn công trình thủy lợi

Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.