TCVN 9490:2012 Tiêu chuẩn quốc gia về Bê tông - Xác định cường độ kéo nhổ

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9490 : 2012
ASTM C900 - 06
BÊ TÔNG - XÁC ĐỊNH CƯỜNG ĐỘ KÉO NHỔ
Standard Test Method for Pullout Strength of Hardened Concrete
Lời nói đầu
TCVN 9490:2012 được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn tương đương với ASTM C900 - 06Standard test method for pullout strength of hardened concrete với sự cho phép của ASTM quốc tế, 100 Barr Harbor Drive, West Conshohocken, PA 19428, USA. Tiêu chuẩn ASTM C900 - 06 thuộc bản quyền của ASTM quốc tế.
TCVN 9490:2012 do Hội công nghiệp bê tông Việt Nam biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

BÊ TÔNG - XÁC ĐỊNH CƯỜNG ĐỘ KÉO NHỔ
Standard Test Method for Pullout Strength of Hardened Concrete
1 Phạm vi áp dụng
1.1 Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định cường độ kéo nhổ của bê tông bằng cách đo lực cần thiết để kéo nhổ chi tiết chèn ra khỏi mẫu thử bê tông hoặc kết cấu bê tông. Việc chèn thanh kim loại có thể thực hiện khi đổ hỗn hợp bê tông hoặc khi bê tông đã đóng rắn. Phương pháp thử nghiệm này không cung cấp quy tắc thống kê để ước tính các đặc trưng cường độ khác.
1.2 Trong tiêu chuẩn này sử dụng các đơn vị thuộc hệ SI.
1.3  Các đoạn văn chú thích của tiêu chuẩn này, chỉ cung cấp tài liệu giải thích. Những đoạn văn đó (trừ các bảng biểu và hình vẽ) không được coi là yêu cầu của tiêu chuẩn này.
1.4 Tiêu chuẩn này không đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến an toàn khi sử dụng. Người sử dụng tiêu chuẩn này có trách nhiệm thiết lập các nguyên tắc về an toàn và bảo vệ sức khỏe cũng như khả năng áp dụng phù hợp với các giới hạn quy định trước khi đưa vào sử dụng.
(CẢNH BÁO - Hỗn hợp vữa xi măng mới trộn gây ăn da và có thể gây bỏng hóa chất cho da và mô khi tiếp xúc lâu dài)1.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là rất cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
ASTM C670, Practice for preparing precision and bias statements for test methods for construction materials (Hướng dẫn thực hành công bố độ chụm và độ chệch đối với các phương pháp thử vật liệu xây dựng).
ASTM E4, Practice for force verification of testing machines (Hướng dẫn thực hành kiểm tra lực của thiết bị thử nghiệm).
ASTM E74, Practice of calibration of force-measuring instruments for verifying the force indication of testing machines (Hướng dẫn thực hành hiệu chuẩn dụng cụ đo lực để kiểm tra hiển thị lực của thiết bị thử nghiệm).
3 Tóm tắt phương pháp thử
3.1 Chi tiết chèn được đặt vào trước khi đổ hỗn hợp bê tông hoặc chèn vào khi bê tông đã đóng rắn. Để xác định cường độ tại hiện trường, dùng giắc kéo để kéo chi tiết chèn với phản lực tạo bởi vòng kê. Cường độ kéo nhổ được xác định thông qua lực lớn nhất để kéo chi tiết chèn ra khỏi bê tông. Để kiểm tra cường độ đã đạt mức quy định, kéo chi tiết chèn tới giá trị lực quy định.
4 Ý nghĩa và sử dụng
4.1 Đối với một bê tông nhất định và một thiết bị thử nghiệm nhất định, cường độ kéo nhổ có thể liên quan đến kết quả thử cường độ nén. Mối quan hệ về cường độ như vậy phụ thuộc vào cấu hình của chi tiết chèn, kích thước vòng kê, độ sâu của chi tiết chèn và mức độ phát triển cường độ bê tông. Trước khi sử dụng tiêu chuẩn này, các mối quan hệ phải được thiết lập cho mỗi hệ thống và mỗi kết hợp mới của vật liệu bê tông. Mối quan hệ như vậy có xu hướng ít biến đổi khi cả mẫu thử kéo nhổ và các mẫu thử nén có kích thước tương tự nhau, được làm chặt đến mật độ tương tự nhau, và bảo dưỡng trong điều kiện tương tự nhau.
CHÚ THÍCH 1: Báo cáo (1-17) được công bố bởi các nhà nghiên cứu khác nhau trình bày kinh nghiệm của họ trong việc sử dụng thiết bị kiểm tra kéo nhổ. Tham khảo ACI 228.1R (14) để được hướng dẫn về việc thành lập mối quan hệ cường độ và diễn giải kết quả thử nghiệm. Phụ lục này cung cấp phương tiện để so sánh cường độ kéo nhổ thu được bằng cách sử dụng các cấu hình khác nhau.
4.2 Thí nghiệm kéo nhổ được áp dụng để xác định cường độ hiện trường của bê tông đã đạt đến mức quy định hay chưa để có thể:
(1) tiến hành kéo cáp (đối với bê tông dự ứng lực kéo căng sau);
(2) tháo ván khuôn và cột chống; hoặc
(3) kết thúc bảo dưỡng.
Ngoài ra, thí nghiệm kéo nhổ chi tiết chèn sau có thể được sử dụng để đánh giá cường độ bê tông trên kết cấu công trình.
4.3 Khi lập kế hoạch và phân tích kết quả thí nghiệm cần chú ý tới hiện tượng cường độ bê tông ở bên trên mỗi lượt đổ thường có xu hướng thấp hơn ở bên dưới. Cường độ kéo nhổ biểu thị cường độ của bê tông trong khu vực hình nón cụt được giới hạn bởi đầu chèn và vòng kê. Như các hệ thí nghiệm bề mặt điển hình, cường độ kéo nhổ bê tông cho biết chất lượng vùng bề mặt của kết cấu và có thể hữu ích trong việc đánh giá lớp bê tông bảo vệ cốt thép.
4.4 Đối với chi tiết chèn trước, cần xác định vị trí của chúng trong kết cấu trước khi đổ bê tông. Đối với chi tiết chèn sau khi bê tông đã đóng rắn, có thể chèn ở bất kỳ vị trí nào tùy theo mong muốn miễn là đáp ứng yêu cầu nêu trong 6.1.
4.5 Không áp dụng phương pháp thử này cho các thí nghiệm chèn sau khác, nếu khi thí nghiệm đến phá hủy, cơ chế phá hủy không giống và dạng phá hủy không phải là hình nón cụt như trong thí nghiệm chèn trước được mô tả trong tiêu chuẩn này (16).
5 Thiết bị, dụng cụ
5.1 Hệ thống thiết bị cho phương pháp này đòi hỏi phải có ba yếu tố cơ bản sau: dụng cụ để chèn chi tiết chèn, hệ thống gia tải và hệ thống đo tải trọng (Chú thích 2). Để chèn chi tiết sau khi bê tông đã đóng rắn cần có thêm máy khoan lõi, đĩa mài để làm phẳng bề mặt, máy phay để cắt rãnh và dụng cụ mở rộng để mở rộng lỗ chèn.
CHÚ THÍCH 2: Sử dụng một giắc kéo thủy lực hướng tâm có đồng hồ đo áp lực đã hiệu chuẩn theo Phụ lục A và vòng kê đã được lắp đặt một cách an toàn.
5.1.1 Chi tiết chèn trước được làm bằng kim loại không phản ứng với xi măng. Bộ chèn bao gồm một đầu hình trụ và một trục cố định chiều sâu. Trục này được gắn vào vị trí trung tâm (xem Hình 1). Đầu trục được tạo ren để có thể di chuyển và thay thế bằng trục khỏe hơn để kéo, hoặc nó là một phần của chi tiết chèn, có chức năng như trục kéo. Thành phần kim loại của chi tiết chèn trước và phần đính kèm phải giống nhau và có khả năng chống ăn mòn điện hóa trong môi trường xi măng. Chi tiết chèn sau phải được thiết kế sao cho chúng thích hợp với các lỗ khoan và có thể kéo dài để phù hợp với các rãnh đã được cắt đến độ sâu định trước (xem Hình 2).
CHÚ THÍCH 3: Hệ thống chèn sau sử dụng một vòng kiểu xoắn ruột gà phù hợp với lỗ khoan và kéo vào rãnh.
5.1.2 Hệ thống gia tải bao gồm một vòng kê được đặt trên bề mặt bê tông (xem Hình 1 và Hình 2) và thiết bị gia tải có dụng cụ đo tải trọng dễ dàng gắn vào trục kéo.
5.1.3 Thiết bị thử gồm bộ hướng tâm để đảm bảo rằng vòng kê luôn nằm ở tâm bộ chèn và tải trọng được cấp dọc theo trục kéo, vuông góc với vòng kê và phân bố đồng đều trên toàn bộ bề mặt.
5.2 Kích thước thiết bị được xác định như sau (xem Hình 1)
5.2.1 Đường kính đầu chèn (d2) là cơ sở để xác định cấu hình thí nghiệm. Chiều dày của các đầu chèn và cường độ xoắn của kim loại phải đủ để ngăn chặn hiện tượng xoắn của chi tiết chèn trong quá trình thí nghiệm. Mặt bên của đầu chèn phải phẳng nhẵn (Chú thích 5). Đường kính đầu chèn lớn hơn hoặc bằng 2/3 kích thước danh nghĩa của hạt cốt liệu lớn nhất.

Bản word | Bản gốc

TCVN 9490:2012, TCVN 9490:2012 Tiêu chuẩn quốc gia về Bê tông - Xác định cường độ kéo nhổ, tcvn miễn phí, tiêu chuẩn việt nam

Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.