TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9902 : 2013
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
YÊU CẦU THIẾT KẾ ĐÊ SÔNG
Hydraulic structures
Requirements for river dike design
Lời nói đầu
TCVN 9902 : 2013 Công trình thủy lợi - Yêu cầu thiết kế đê sông, được xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thiết kế và thi công các công trình đê điều, theo quy định tại khoản 2 điều 13 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a, khoản 1 điều 5 của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
TCVN 9902 : 2013 do Trung tâm Khoa học và Triển khai kỹ thuật thủy lợi thuộc trường Đại học Thủy lợi biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
YÊU CẦU THIẾT KẾ ĐÊ SÔNG
Hydraulic structures
Requirements for river dike design
1. Phạm vi áp dụng
1.1. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu khi thiết kế đê sông và các công trình nằm trong đê sông (gọi tắt là công trình đê sông). Phạm vi áp dụng bao gồm xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp các công trình đê sông đã có.
1.2. Khi thiết kế hạng mục công trình đê sông có liên quan đến nội dung kỹ thuật của các chuyên ngành xây dựng khác còn phải tuân thủ quy định trong các tiêu chuẩn kỹ thuật của chuyên ngành đó.
Các tài liệu viện dẫn sau đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có):
TCVN 2737 : 1995, Tải trọng và tác động - Tiêu chuẩn thiết kế;
TCVN 4054 – 2005, Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế;
TCVN 4253 : 2012, Nền các công trình thủy công - Tiêu chuẩn thiết kế;
TCVN 8216 : 2009, Công trình thủy lợi - Thiết kế đập đất đầm nén;
TCVN 8297 : 2009, Công trình thủy lợi - Đập đất - Yêu cầu kỹ thuật thi công bằng phương pháp đầm nén;
TCVN 8419 : 2010, Công trình thủy lợi - Thiết kế công trình bảo vệ bờ sông để chống lũ;
TCVN 8421 : 2010, Công trình thủy lợi - Tải trọng và lực tác dụng lên công trình do sóng và tàu;
TCVN 8422 : 2010, Công trình thủy lợi - Thiết kế tầng lọc ngược công trình thủy công;
TCVN 8477 : 2010, Công trình thủy lợi - Yêu cầu về thành phần, khối lượng khảo sát địa chất trong các giai đoạn lập dự án và thiết kế;
TCVN 8479 : 2010, Công trình thủy lợi - Yêu cầu kỹ thuật khảo sát mối, một số ẩn hoạ và xử lý mối gây hại;
TCVN 8481 : 2010, Công trình đê điều - Yêu cầu về thành phần, khối lượng khảo sát địa hình;
TCVN 8644 : 2011, Công trình thủy lợi - Yêu cầu kỹ thuật khoan phụt vữa gia cố đê;
TCVN 9137 : 2012, Công trình thủy lợi - Thiết kế đập bê tông và bê tông cốt thép;
TCVN 9143 : 2012, Công trình thủy lợi - Tính toán đường viền thấm dưới đất của đập trên nền không phải là đá;
TCVN 9152 : 2012, Công trình thủy lợi - Quy trình thiết kế tường chắn đất;
TCVN 9157 : 2012, Công trình thủy lợi - Giếng giảm áp - Yêu cầu kỹ thuật thi công và kiểm tra nghiệm thu;
TCVN 9901 : 2013, Công trình thủy lợi - Yêu cầu thiết kế đê biển.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1
Đê (Dike)
Công trình ngăn nước lũ của sông hoặc ngăn nước biển, được phân loại, phân cấp theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
3.2
Đê sông (River dike)
Đê ngăn nước lũ của sông.
3.3
Đê điều (Flood control system)
Hệ thống công trình bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê và các công trình phụ trợ.
3.4
Đê chính (Main dike)
Đê chống lũ theo tiêu chuẩn phòng, chống lũ của từng tuyến sông. Mỗi bên bờ sông chỉ có một tuyến đê chính.
3.5
Đê phụ (Retired embankment)
Còn gọi là đê dự phòng, nằm ở phía đồng của đê chính, cách đê chính một khoảng cách nhất định nhằm hạn chế thiệt hại trong trường hợp đê chính bị vỡ hoặc bị nước tràn qua.
3.6
Đê bao (Ring dike)
Đê bảo vệ cho một khu vực riêng biệt.
3.7
Đê bối (River side bund)
Đê bảo vệ cho một khu vực nằm ở phía sông của đê sông.
3.8
Đê chuyên dùng (Specialize dike)
Đê bảo vệ cho một loại đối tượng riêng biệt.
3.9
Đê cửa sông (Estuary dike)
Đê chuyển tiếp giữa đê sông với đê biển hoặc bờ biển, chịu ảnh hưởng tổng hợp của chế độ nước sông và nước biển.
CHÚ THÍCH: Ranh giới giữa đê sông và đê cửa sông ở tại vị trí mà độ chênh cao do nước dâng truyền vào xấp xỉ bằng 0,5 m, ứng với trường hợp mực nước trong sông là mực nước thiết kế đê, phía biển là mực nước triều tần suất 5 % và bão cấp 9.
3.10
Kè bảo vệ đê (Dike protection revetment)
Công trình xây dựng nhằm chống sạt lở để bảo vệ đê.
3.11
Cống qua đê (Dike sluice)
Công trình xây dựng qua đê dùng để cấp nước, tiêu thoát nước hoặc kết hợp giao thông thủy.
3.12
Công trình phụ trợ (Auxiliary work)
Công trình phục vụ việc quản lý và bảo vệ đê điều, bao gồm: tràn sự cố, cột mốc trên đê, cột chỉ giới, biển báo đê điều, cột thủy chí, giếng giảm áp, trạm và thiết bị quan trắc về thông số kỹ thuật phục vụ công tác quản lý đê, đường cứu hộ đê điều, điếm canh đê; kho bãi chứa vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt bão; dải cây chắn sóng bảo vệ đê, trụ sở cơ quan quản lý đê điều, cơ quan phòng chống lụt bão, công trình phân lũ, làm chậm lũ v.v....
3.13
Cửa khẩu qua đê (Dike-crossing works)
Công trình cắt ngang đê để phục vụ giao thông đường bộ, đường sắt.
3.14
Chân đê (Dike bottom)
Đối với đê đất, chân đê là vị trí giao nhau giữa mái đê hoặc mái của cơ đê với mặt đất tự nhiên, được xác định tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê. Đối với đê có kết cấu bằng bê tông, đá xây hoặc bằng các loại vật liệu cứng khác, chân đê là vị trí xây đúc ngoài cùng của móng công trình.
3.15
Hệ số mái dốc của đê (Slope coefficient of dike)
Đại lượng dùng để đánh giá độ dốc của mái đê, thường được ký hiệu là m. Hệ số mái dốc là tỷ số giữa chiều dài hình chiếu bằng với chiều dài hình chiếu đứng của mái đê, xác định theo công thức m = cotgα, với α là góc giữa mái đê và mặt phẳng nằm ngang.
3.16
Mực nước thiết kế đê (Design water level of dike)
Còn gọi là mực nước lũ thiết kế, là mực nước lũ làm chuẩn dùng để thiết kế đê và công trình liên quan, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
3.17
Lưu lượng lũ thiết kế (Design flood discharge)
Lưu lượng lũ của một con sông tương ứng với mực nước lũ thiết kế.
3.18
Dòng chủ lưu (Mainstream)
Phần dòng chảy của sông có vận tốc lớn nhất. Dòng chủ lưu thường chảy qua khu vực sâu nhất của mặt cắt ngang sông.
3.19
Bãi sông (River terrace)
Vùng đất nằm trong phạm vi từ biên ngoài hành lang bảo vệ đê điều trở ra đến bờ sông.
3.20
Lòng sông (River channel)
Phạm vi giữa hai bờ sông.
Bản word | Bản gốc
Đăng nhận xét