TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9592:2013
CAC/RCP 62-2006
QUY PHẠM THỰC HÀNH VỀ NGĂN NGỪA VÀ GIẢM THIỂU DIOXIN VÀ CÁC HỢP CHẤT PCB TƯƠNG TỰ DIOXIN NHIỄM TRONG THỰC PHẨM VÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI
Code of practice for the prevention and reduction of dioxin and dioxin-like PCB contamination in foods and feeds
Lời nói đầu
TCVN 9592:2013 hoàn toàn tương đương với CAC/RCP 62-2006;
TCVN 9592:2013 do Cục Chăn nuôi biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
QUY PHẠM THỰC HÀNH VỀ NGĂN NGỪA VÀ GIẢM THIỂU DIOXIN VÀ CÁC HỢP CHẤT PCB TƯƠNG TỰ DIOXIN NHIỄM TRONG THỰC PHẨM VÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI
Code of practice for the prevention and reduction of dioxin and dioxin-like PCB contamination in foods and feeds
Khái quát
1. Dioxin, kể cả các dibenzo-p-dioxin đã polyclo hóa (PCDD), dibenzofuran đã polyclo hóa (PCDF) và biphenyl (PCB) đã polyclo hóa tương tự dioxin thường phổ biến trong môi trường. Mặc dù các dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin giống nhau về độc tính và thành phần hóa học, nhưng chúng có nguồn gốc khác nhau.
2. Các nguồn dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin đi vào chuỗi thực phẩm bao gồm từ các nguồn chất thải mới và tái di chuyển các chất lắng hoặc của các hồ chứa trong môi trường. Phát thải chủ yếu thông qua đường không khí. Dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin phân hủy rất chậm trong môi trường và tồn tại trong thời gian rất dài. Do đó, phần lớn sự phơi nhiễm là do sự giải phóng dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin xảy ra từ trước đó.
3. Các hợp chất PCB, kể các hợp chất PCB tương tự dioxin, được chủ định sản xuất với số lượng đáng kể giữa những năm 1930 và 1970, đã được ứng dụng rộng rãi. Hiện nay các hợp chất PCB vẫn được sử dụng trong hệ thống khép kín và có trong các hợp chất nền rắn (ví dụ, vật liệu làm kín và tụ điện). Các hợp chất PCB thương mại được biết là bị nhiễm các PCDF và do đó có thể được coi là một nguồn tiềm năng về nhiễm dioxin.
5. Dioxin là các sản phẩm phụ không mong muốn từ một số hoạt động của con người bao gồm một số ngành chế biến công nghiệp (ví dụ, sản xuất hóa chất, công nghiệp luyện kim) và các quá trình đốt cháy (ví dụ đốt chất thải). Các sự cố tại nhà máy hóa chất đã cho kết quả phát thải cao và gây nhiễm các khu vực cục bộ. Các nguồn dioxin khác kể cả máy sưởi gia dụng, việc đốt chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt. Quá trình tự nhiên như núi lửa phun trào, cháy rừng cũng có thể sinh ra dioxin.
6. Khi giải phóng vào không khí, các dioxin có thể lắng đọng cục bộ trên cây trồng, trên đất gây nhiễm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Dioxin cũng có thể phân tán rộng rãi qua đường không khí. Lượng tích tụ thay đổi theo nguồn gốc, chủng loại cây trồng, điều kiện thời tiết và điều kiện cụ thể khác (ví dụ như độ cao, vĩ độ, nhiệt độ).
7. Các nguồn dioxin trong đất bao gồm sự tích tụ dioxin từ khí quyển, đất trang trại sử dụng bùn thải bị nhiễm, đồng cỏ ngập bùn bị nhiễm và trước đó sử dụng thuốc trừ sâu bị nhiễm (ví dụ, 2,4,5-triclophenoxy axit axetic) và phân bón (ví dụ, một số loại phân ủ). Các nguồn khác của dioxin trong đất có thể có nguồn gốc tự nhiên (ví dụ, đất sét cục).
8. Các dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin rất ít tan trong nước. Tuy nhiên, chúng lại hấp phụ lên các chất khoáng và các hạt hữu cơ lơ lửng trong nước. Bề mặt biển, sông và hồ phơi nhiễm các hợp chất này từ không khí rồi đi vào chuỗi thức ăn của thủy sản. Nước thải hoặc các nguồn thải nhiễm từ các quá trình nhất định, ví dụ như tẩy trắng giấy hoặc bột giấy bằng clo hoặc các quá trình luyện kim, có thể làm nhiễm nước và lắng xuống ở các vùng ven biển, sông và hồ.
9. Dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin bị đưa vào cá qua mang và qua thức ăn. Cá tích lũy dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin trong các mô mỡ và gan của chúng. Cá sống ở tầng đáy bị phơi nhiễm với trầm tích bị nhiễm hơn so với các loài cá sống ở tầng mặt. Tuy nhiên, các mức dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin trong cá sống ở tầng đáy không phải lúc nào cũng cao hơn so với cá sống ở tầng mặt, mà còn phụ thuộc vào các đặc trưng về kích thước, thức ăn và đặc điểm sinh lý của cá. Nhìn chung, sự tích lũy dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin phụ thuộc vào tuổi của cá.
10. Người bị phơi nhiễm dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin chủ yếu qua thực phẩm có nguồn gốc động vật khoảng 80 % đến 90 % phơi nhiễm thông qua chất béo trong các sản phẩm thịt, cá và sữa. Các mức dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin trong mỡ động vật có thể có liên quan đến nhiễm bẩn môi trường cục bộ và nhiễm bẩn của thức ăn chăn nuôi (ví dụ, dầu cá và bột cá), hoặc các quá trình sản xuất khác (ví dụ, làm khô nhân tạo).
11. Ủy ban Hỗn hợp Chuyên gia của FAO/WHO về Phụ gia Thực phẩm (JECFA) và Ủy ban Khoa học Liên minh châu Âu (EU) về Thực phẩm (EU SCF) đưa ra các mức ăn vào có thể chấp nhận được và so sánh chúng với các lượng ăn vào theo tính toán. Kết luận cho thấy rằng một tỷ lệ dân số đáng kể đã ăn vào lượng dioxin có thể vượt quá mức dung nạp cho phép.
12. Để giảm sự nhiễm bẩn thực phẩm, cần xem xét đến các biện pháp kiểm soát thức ăn chăn nuôi. Các biện pháp này có thể liên quan đến Thực hành Nông nghiệp Tốt (GAP), Thực hành Thức ăn chăn nuôi Tốt (GAFP) và Thực hành Sản xuất Tốt (GMP) hướng dẫn để làm giảm một cách hiệu quả dioxin các hợp chất PCB tương tự dioxin trong thức ăn chăn nuôi, bao gồm:
- Xác định các khu vực nông nghiệp bị tăng nhiễm dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin do khí thải cục bộ, do sự cố hoặc do thải bất hợp pháp vật liệu bị nhiễm và giám sát thức ăn chăn nuôi và các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ các khu vực này.
- Thiết lập các giá trị hướng dẫn đối với đất và đưa ra khuyến nghị để sử dụng cho nông nghiệp (ví dụ, hạn chế chăn thả hoặc sử dụng các kỹ thuật nông nghiệp thích hợp).
- Xác định các thức ăn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có khả năng bị ô nhiễm.
- Giám sát sự phù hợp với các mức hướng dẫn hoặc giới hạn tối đa theo quy định, nếu có và giảm thiểu hoặc khử nhiễm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi không phù hợp (ví dụ: tinh chế dầu cá).
- Xác định và kiểm soát các quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi quan trọng (ví dụ: làm khô nhân tạo bằng làm nóng trực tiếp).
13. Các biện pháp kiểm soát tương tự, khi có thể, cần được xem xét để giảm dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin trong thực phẩm.
Biện pháp chỉ đạo nguồn
14. Giảm các nguồn dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin là điều kiện tiên quyết để giảm tiếp sự ô nhiễm. Các biện pháp để giảm nguồn phát thải dioxin cần phải trực tiếp làm giảm sự hình thành dioxin trong quá trình xử lý nhiệt cũng như ứng dụng các kỹ thuật tiêu hủy. Các biện pháp giảm thiểu nguồn phát thải các hợp chất PCB tương tự dioxin cần phải làm trực tiếp từ thiết bị hiện có (ví dụ: máy biến thế, tụ điện), phòng ngừa sự cố và kiểm soát tốt hơn việc thải dầu và chất thải có chứa các hợp chất PCB tương tự dioxin.
15. Công ước Stockholm về các chất nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Công ước Stockholm) là một hiệp ước toàn cầu để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi các chất nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) bao gồm cả dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin.
16. Phần II của Phụ lục C của Công ước Stockholm liệt kê các loại nguồn công nghiệp, có tiềm năng hình thành và thải tương đối cao vào môi trường dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin.
a) Chất thải của lò đốt, bao gồm cả chất thải đô thị, các chất độc hại hoặc chất thải y tế hoặc chất thải bùn;
b) Chất thải nguy hại của lò đốt xi măng;
c) Sản xuất bột giấy sử dụng clo nguyên tố hoặc các hóa chất tạo ra nguyên tố clo để tẩy trắng;
d) Quá trình nhiệt trong công nghiệp luyện kim, nghĩa là sản xuất đồng thứ cấp, nhà máy nung kết trong ngành công nghiệp sắt và thép, sản xuất nhôm thứ cấp, sản xuất kẽm thứ cấp.
17. Phần III của Phụ lục C của Công ước Stockholm cũng liệt kê các nguồn sau đây mà có thể vô tình tạo ra và phát thải dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin vào môi trường:
a) Đốt chất thải hở, bao gồm cả việc đốt các bãi chôn lấp;
b) Quá trình nhiệt trong ngành công nghiệp luyện kim không được đề cập trong phần II, Phụ lục C của Công ước Stockholm;
c) Nguồn đốt ở khu dân cư;
d) Đốt nhiên liệu hóa thạch có ích và nồi hơi công nghiệp;
e) Đốt các trang thiết bị bằng gỗ và các loại nhiên liệu sinh khối khác;
f) Các quá trình sản xuất hóa chất giải phóng các chất nhiễm hữu cơ khó phân hủy không mong muốn, đặc biệt là sản xuất của clorophenol và cloranil;
g) Lò hỏa táng;
h) Xe có động cơ, đặc biệt là có sử dụng xăng pha chì;
i) Tiêu hủy xác động vật;
j) Dệt may và nhuộm da (dùng cloranil) và hồ vải (có chiết bằng kiềm);
k) Những nhà máy xử lý phương tiện giao thông đã hết hạn sử dụng;
l) Nung dây cáp đồng;
m) Chất thải của nhà máy lọc dầu.
18. Việc chọn công nghệ để giảm thiểu sự hình thành và phát tán dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin từ các loại nguồn này cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét khi xây dựng các biện pháp giảm thiểu dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin.
Phạm vi áp dụng
19. Tiêu chuẩn này tập trung vào các biện pháp (ví dụ: Thực hành nông nghiệp tốt, Thực hành sản xuất tốt, Thực hành bảo quản tốt, Thực hành nuôi tốt và Thực hành phòng thí nghiệm tốt) đối với cơ quan có thẩm quyền, nông dân và các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm, để ngăn ngừa hoặc làm giảm dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin nhiễm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
20. Tiêu chuẩn này áp dụng cho sản xuất và sử dụng tất cả các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả chăn thả trên đồng cỏ hoặc chăn thả tự do, sản xuất cây trồng làm thức ăn gia súc và nuôi trồng thủy sản) và thực phẩm ở mọi quy mô sản xuất công nghiệp hoặc trang trại.
21. Vì những giới hạn chung và việc giảm dioxin và các chất PCB tương tự dioxin từ các nguồn không phải là thực phẩm/thức ăn chăn nuôi và môi trường nằm ngoài trách nhiệm của ban kỹ thuật của Codex, nên các biện pháp này sẽ không được xem xét trong phạm vi của tiêu chuẩn này.
Khuyến cáo thực hành dựa trên Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành sản xuất tốt (GMP), Thực hành bảo quản tốt (GSP), Thực hành chăn nuôi tốt (GAFP) và Thực hành phòng thí nghiệm tốt (GLP)
Các biện pháp kiểm soát trong chuỗi thực phẩm
Không khí, đất, nước
22. Để giảm nhiễm dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin trong không khí, các cơ quan chuyên trách về thực phẩm cần xem xét đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm đối với các biện pháp phòng ngừa đốt chất thải, bao gồm cả việc đốt các bãi rác chôn lấp hoặc và việc sử dụng gỗ xử lý PCB dùng cho máy sưởi gia đình.
23. Các biện pháp kiểm soát để ngăn ngừa hoặc giảm nhiễm dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin trong môi trường là rất quan trọng. Để giảm nhiễm có thể xảy ra đối với thức ăn chăn nuôi hoặc thực phẩm, cần xác định rõ vùng đất nông nghiệp có chứa dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin ở mức không thể chấp nhận được do khí thải cục bộ, sự cố hoặc thải bất hợp pháp các vật liệu bị nhiễm.
24. Nên tránh sản xuất nông nghiệp trên các khu vực bị nhiễm hoặc cần hạn chế nếu đoán trước là dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin sẽ di chuyển vào thức ăn chăn nuôi hoặc thực phẩm được sản xuất trên các khu vực này. Nếu có thể, đất bị nhiễm cần được xử lý và khử độc hoặc loại bỏ và được duy trì trong điều kiện môi trường tốt.
25. Nước thải bùn bị nhiễm dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin lan tỏa ra bám dính vào cây trồng có thể làm tăng sự phơi nhiễm với vật nuôi. Bùn thải được sử dụng trong nông nghiệp cần được giám sát về dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin. Ngoài ra, cần xử lý bùn thải để làm trơ hoặc để khử độc. Những hướng dẫn quốc gia cần thực hiện khi có thể áp dụng được.
26. Vật nuôi, thú rừng, gia cầm tiếp xúc với đất bị nhiễm, có thể tích tụ dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin qua việc ăn phải đất hoặc thực vật bị nhiễm. Các khu vực bị nhiễm này cần được xác định và kiểm soát. Nếu cần, nên hạn chế sản xuất thức ăn chăn nuôi trong những khu vực này.
27. Các biện pháp giảm nhiễm nguồn sẽ mất nhiều năm để giảm mức độ nhiễm trong các loài cá tự nhiên do chu kỳ bán rã dài của dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin trong môi trường. Để giảm sự phơi nhiễm dioxin và các hợp chất PCB tương tự dioxin, thì các khu vực bị nhiễm cao (ví dụ, hồ và sông) và các loài cá có liên quan cần được xác định và việc đánh bắt ở các khu vực này cần được kiểm soát và hạn chế.
Thức ăn chăn nuôi
Đăng nhận xét