TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10307:2014
KẾT CẤU CẦU THÉP - YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG VỀ CHẾ TẠO, LẮP RÁP VÀ NGHIỆM THU
Steel bridge structure - General Specitications for manufacturing, installing and acceptance
Lời nói đầu
TCVN 10307:2014 do Tổng cục Đường bộ biên soạn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
KẾT CẤU CẦU THÉP - YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG VỀ CHẾ TẠO, LẮP RÁP VÀ NGHIỆM THU
Steel bridge structure - General Specitications for manufacturing, installing andacceptance
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật chung về chế tạo, lắp ráp và nghiệm thukết cấu cầu thép trước khi lắp đặt.
Tiêu chuẩn này áp dụng cho kết cấu cầu thép được chế tạo từ thép cacbon thấp và thép hợp kim thấp, liên kết hàn và bu lông hoặc bu lông cường độ cao. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho kết cấu cầu thép được liên kết bằng đinh tán.
Tiêu chuẩn này có thể là tài liệu tham khảo cho việc chế tạo và lắp ráp kết cấu phụ tạm.
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 2344:1978, Vật đúc bằng thép - Sai lệch giới hạn về kích thước và khối lượng - Lượng dư cho gia công cơ;
TCVN 4111:1985, Dụng cụ đo độ dài và đo góc - Ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản;
TCVN 5017-1:2010, Hàn và các quá trình liên quan - Từ vựng - Phần 1: Các quá trình hàn kim loại;
TCVN 8789:2011, Sơn bảo vệ kết cấu thép - Yêu cầu kỹ thuật và Phương pháp thử,
TCVN 10309:2014, Hàn cầu thép - Quy định kỹ thuật.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 5017-1:2010 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1. Bu lông cường độ cao
Bu lông được chế tạo bằng thép có hàm lượng cacbon trung bình và có thêm các nguyên tố hợp kim; bộ bu lông cường độ cao gồm bu lông, đai ốc và vòng đệm; bu lông cường độ cao dùng trong liên kết cầu thép phải là loại có hệ số mô men xiết ổn định để khống chế được lực căng trong thân bu lông, như vậy thân bu lông cường độ cao cho chịu ép mặt.
3.2. Bu lông tinh chế
Bu lông được chế tạo bằng thép có hàm lượng cacbon trung bình, thân bu lông được tinh chế đạt độ bóng trên cấp 3 và tựa khít vào lỗ khoan để chịu được lực cắt hoặc ép tựa.
3.3. Bàn máp
Bàn máp là bàn đá hoa cương, có bề mặt rất phẳng, dùng làm chuẩn để xác định độ cao, để vạch dấu, để kiểm tra độ thẳng, độ phẳng. Trong các xưởng cơ khí người ta chỉ có bàn máp bằng gang được mài và cạo phẳng.
3.4. Ca líp
Dụng cụ đo lường không khắc độ, dùng để kiểm tra kích thước, hình dạng và sự lắp đặt tương đối của các bộ phận sản phẩm.
3.5. Hàn hồ quang tay
Hàn hồ quang tay hay còn gọi là hàn que là quá trình hàn điện nóng chảy sử dụng điện cực dưới dạng que hàn thường có vỏ bọc và không sử dụng khí bảo vệ, trong đó tất cả các thao tác (gây hồ quang, dịch chuyển que hàn, thay que hàn, v.v...) đều do người thợ hàn thực hiện bằng tay.
3.6. Công nghệ CNC
CNC là viết tắt của Computer Numerical Controller nghĩa là điều khiển tự động hóa bằng máy vi tính. Máy công cụ CNC được lập trình hoàn toàn tự động và được điều khiển bằng một chương trình số.
3.7. Gia công kết cấu thép
Các thao tác thủ công kết hợp với dụng cụ và máy thiết bị để chế tạo ra các chi tiết kếtcấu thép theo bản vẽ thiết kế.
3.8. Kết cấu chính của cầu thép
Bao gồm dầm chủ, hệ mặt cầu (dầm ngang, dầm dọc, liên kết chịu lực hệ mặt cầu), hệ cổng cầu, hệ liên kết dọc trên và dọc dưới, hệ chống hãm chống lắc, hệ liên kết ngang và các bộ phận tăng cường v.v...
3.9. Kết cấu phụ của cầu thép
Bao gồm bàn nối bản đệm, hệ kiểm tra và phần đường người đi v.v...
3.10. Thép cacbon thường
Thép dùng làm kết cấu chính của nhịp cầu, được nối ghép với nhau bằng hàn hoặc bu lông. Thép cacbon thường chuyên dụng cho kết cấu cầu thường là thép cacbon và thép hợp kim thấp có tính chịu hàn, đảm bảo tính chất cơ lý theo tính toán thiết kế và có tính chống gỉ tốt.
3.11. Thép cacbon thấp
Thép có hàm lượng cacbon từ 0,14 % đến 0,22 % được cán nóng, có độ dẻo cao và tính chịu hàn tốt.
3.12. Thép hợp kim thấp
Thép được hợp kim hóa với một số nguyên tố như crom, silic, niken, molipden, titan, vonfram... có hàm lượng thấp nhằm cải thiện cơ tính làm việc của thép.
3.13. Tổ chức tế vi
Sử dụng kính hiển vi quang học với độ phóng đại lớn để quan sát, đánh giá và phân tích hình dáng, cấu trúc và tổ chức tế vi của kim loại và hợp kim.
4. Quy định chung
Đăng nhận xét