TCVN 7835-C07:2014 Tiêu chuẩn quốc gia Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần C07: Độ bền màu với quá trình chà xát ướt của vật liệu dệt được in pigment

TCVN 7835-C07:2014
ISO 105-C07:1999
VẬT LIỆU DỆT - PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU - PHẦN C07: ĐỘ BỀN MÀU VỚI QUÁ TRÌNH CHÀ XÁT ƯỚT CỦA VẬT LIỆU DỆT ĐƯỢC IN PIGMENT
Textiles - Tests for colour fastness - Part C07: Colour fastness to wet scrubbing of pigment printed textiles

Lời nói đầu
TCVN 7835-C07:2014 hoàn toàn tương đương với ISO 105-C07:1999. ISO 105-C07:1999 đã được rà soát và phê duyệt lại vào năm 2009 với bố cục và nội dung không thay đổi.
TCVN 7835-C07:2014 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 38 Vật liệu dệtbiên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

VẬT LIỆU DỆT - PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH ĐỘ BỀN MÀU - PHẦN C07: ĐỘ BỀN MÀU VỚI QUÁ TRÌNH CHÀ XÁT ƯỚT CỦA VẬT LIỆU DỆT ĐƯỢC IN PIGMENT
Textiles - Tests for colour fastness - Part C07: Colour fastness to wet scrubbing of pigment printed textiles
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ bền màu với quá trình chà xát ướt của tất cả các loại vật liệu dệt được nhuộm pigment hoặc được in pigment.
Phương pháp này không áp dụng cho các xơ rời.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 4536:2002 (ISO 105-A01:1994)1)Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần A01: Quy định chung
TCVN 4537-1:2002 (ISO 105-C01:1989)2)Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần C01: Độ bền màu với giặt: Phép thử 1
TCVN 5466:2002 (ISO 105-A02:1993), Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần A02: Thang màu xám để đánh giá sự thay đổi màu
ISO 105-C06:19943)Textiles - Tests for colour fastness - Part C06: Colour fastness to domestic and commercial laundering (Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần C06: Độ bền màu đối với giặt gia dụng và thương mại)
3. Nguyên tắc
Mẫu thử được ngâm trong dung dịch xà phòng hoặc dung dịch giặt, chà xát bằng bàn chải trong một thời gian quy định, sau đó giũ và sấy khô mẫu thử. Đánh giá sự thay đổi màu của mẫu thử bằng cách dùng thang xám.
4. Thiết bị, dụng cụ và thuốc thử
4.1. Dụng cụ thử, có bộ phận chà xát ướt, chuyển động qua lại dọc theo một đường thẳng có khoảng chạy 100 mm ± 10 mm trên mẫu thử với một lực 9,0 N ± 0,2 N, với khoảng một chu kỳ chuyển động qua lại hoàn chỉnh trên giây. Tấm đế của dụng cụ thử đủ lớn để giữ mẫu thử có kích thước không nhỏ hơn 80 mm x 250 mm.
4.2. Bàn chải, gồm có năm hàng, mỗi hàng có 13 chùm lông hoặc 14 chùm lông, mỗi chùm gồm 16 lông polyamid cứng 0,36 mm. Các chùm lông được cắt đến một chiều dài đồng đều 15 mm và khoảng cách giữa các chùm lông là 4 mm. Bàn chải có chiều rộng chà xát 55 mm ± 2 mm. Có thể sử dụng các bàn chải khác tương tự như bàn chải này, khi có sự thỏa thuận giữa các bên liên quan và phải ghi lại loại bàn chải cụ thể sử dụng.
Các bàn chải mới phải được làm cùn trước khi sử dụng bằng cách chà xát bàn chải lên giấy ráp hoặc bìa ép nỉ (xem chú thích 2) ít nhất 100 chu kỳ. Nếu cần thiết, lặp lại cho đến khi bề mặt bàn chải hoàn toàn thẳng với giấy ráp hoặc bìa ép nỉ trên tấm đế. Tùy thuộc vào bàn chải sử dụng, cặn vụn do mài có thể nhận thấy trên giấy ráp.
CHÚ THÍCH 1 Bàn chải được cho là phù hợp khi đáp ứng các yêu cầu sau:
Độ nhỏ (của xơ): 102,8 dtex
Độ bền kéo (của xơ): 0,032 5N (cv 4,33 %)
Độ giãn dài khi đứt (của xơ): 6,9 % (cv 12,8 %)
Mô đun đàn hồi (của xơ):0,002 2 N/dtex
Khả năng ấn xuống (của bàn chải): 2,44 kg (cv 8 %)
Lực kéo từ bàn chải (chùm lông): 14,2 N (cv 18 %)
Lực kéo từ bàn chải (xơ đơn): 0,8 N (cv 38 %)
Trong đó cv là hệ số biến sai.
CHÚ THÍCH 2 Giấy ráp bằng vải ôxit nhôm đen 120 (# 0) được cho là phù hợp. Nếu sử dụng giấy ráp khác thì phải ghi trong báo cáo thử nghiệm.
4.3. Xà phòng, không có chất tăng trắng quang học, theo quy định trong 4.2 của TCVN 4537-1:2002 (ISO 105-C01:1989)
4.4 Natri perborat
4.5. Bột giặt chuẩn
Có thể sử dụng ít nhất hai loại bột giặt chuẩn khác nhau:
a) Bột giặt chuẩn ECE 77, không có chất tăng trắng quang học, hoặc
b) Bột giặt chuẩn WOB theo tiêu chuẩn của AATCC 1993.
Cả hai loại bột giặt này được quy định trong 4.4 của ISO 105-C06:1994
Có thể sử dụng các loại bột giặt khác theo thỏa thuận giữa các bên liên quan và ghi lại trong báo cáo thử nghiệm.
4.6. Thang xám, để đánh giá sự thay đổi màu, phù hợp với TCVN 5466:2002 (ISO 105-A02:1993)
4.7. Nước loại 3, xem 8.1 của TCVN 4536:2002 (ISO 105-A01:1994)
5. Mẫu thử
5.1. Nếu vật liệu dệt được thử là vải, chuẩn bị một mẫu thử có kích thước không nhỏ hơn 80 mm x 250 mm, chiều dài song song với các sợi dọc (hoặc hướng của nhà sản xuất). Nếu vật liệu dệt được thử có nhiều màu và tất cả các màu trên vật liệu dệt không thể có trên một mẫu thử, chuẩn bị thêm mẫu thử và đánh giá riêng từng màu.
5.2. Nếu vật liệu dệt được thử là sợi hoặc chỉ, đan thành vải để tạo được mẫu thử có kích thước tối thiểu là 80 mm x 250 mm, kết cấu đan phải theo thỏa thuận giữa các bên liên quan. Ngoài ra, sợi có thể được quấn trên một tấm chất dẻo. Kết cấu được chọn có thể ảnh hưởng đến kết quả thử.
6. Cách tiến hành
Hòa tan 5 g xà phòng (4.3) và 2 g natri perborat (4.4) trong 1 lít nước (4.7); hoặc hòa tan 4 g bột giặt (4.5, điểm a) cùng với 1 g natri perborat (4.4) hoặc 4 g bột giặt (4.5, điểm b) trong 1 lít nước (4.7).
Đổ khoảng 250 ml dung dịch xà phòng đã chuẩn bị hoặc khoảng 250 ml dung dịch giặt đã chuẩn bị vào trong một cốc có mỏ 500 ml, sao cho tỉ lệ dung dịch so với mẫu thử không nhỏ hơn 50:1. Gia nhiệt dung dịch đến một trong các nhiệt độ được cho dưới đây và ghi rõ nhiệt độ được lựa chọn trong báo cáo thử nghiệm.
Nhiệt độ dung dịch giặt hoặc xà phòng để lựa chọn:
- 27oC ± 3oC
- 41oC ± 3oC
- 49oC ± 3oC
- 60oC ± 3oC
- 70oC ± 3oC
Ngâm mẫu thử trong dung dịch 1 min cho đến khi mẫu thử ướt đều, sau đó lấy mẫu thử ra và ép dung dịch dư bằng hai đũa thủy tinh hoặc bằng dụng cụ phù hợp khác. Đặt mẫu thử đã ép trên tấm đế của dụng cụ thử (4.1) và giữ chặt hai đầu của mẫu bằng kẹp hoặc dụng cụ khác, tùy thuộc vào dụng cụ thử sử dụng sao cho chiều dài của mẫu thử đặt theo khoảng chạy của dụng cụ thử. Giữ chặt mẫu thử trong khi chà xát. Đặt bàn chải (4.2) trên mẫu thử và cho bàn chải chuyển động qua lại dọc theo khoảng chạy 100 mm ± 10 mm trong 25 chu kỳ, 50 chu kỳ hoặc 100 chu kỳ với một lực 9,0 N ± 0,2 N. Để giữ mẫu thử ướt, cho khoảng 10 ml dung dịch xà phòng hoặc 10 ml dung dịch giặt vào mẫu thử sau mỗi 25 lần chà xát.
Sau khi kết thúc quá trình chà xát, lấy mẫu thử ra khỏi dụng cụ thử và giũ toàn bộ mẫu trong nước (4.7) ấm (khoảng 40oC ± 3oC), sau đó sấy khô mẫu bằng cách đặt trên một bề mặt nằm ngang ở nhiệt độ không quá 60oC.
Làm sạch bàn chải bằng cách loại bỏ các xơ, sợi hoặc chỉ và dung dịch giặt hoặc xà phòng trên các chùm lông trước khi thực hiện phép thử tiếp theo. Phải kiểm tra bàn chải trước khi sử dụng và thay mới nếu bị mài mòn quá mức.
Đánh giá sự thay đổi màu của mẫu thử bằng thang xám (4.6) sau khi điều hòa, theoTCVN 5466:2002 (ISO 105-A02:1993).
7. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:
a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;
b) Các chi tiết về mẫu đã thử;
c) Dung dịch giặt hoặc xà phòng sử dụng;
d) Bàn chải sử dụng, nếu khác so với bàn chải mô tả trong 4.2;
e) Số chu kỳ chà xát;
f) Nhiệt độ lựa chọn;
g) Nhà sản xuất và số model, nếu có, của dụng cụ thử;
h) Cấp số đối với sự thay đổi màu của mẫu thử.

Bản word | Bản gốc

TCVN 7835-C07:2014, tcvn về vật liệu dệt, TCVN 7835-C07:2014 Tiêu chuẩn quốc gia Vật liệu dệt - Phương pháp xác định độ bền màu - Phần C07: Độ bền màu với quá trình chà xát ướt của vật liệu dệt được in pigment, tcvn miễn phí

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.